Câu chuyện thương hiệu là gì và tại sao công ty của bạn cần xây dựng câu chuyện thương hiệu?
Bạn có đang thắc mắc về những điều này?
Hơn 1 năm trở lại đây các nhà tiếp thị nhắc nhiều hơn đến câu chuyện thương hiệu, nhưng vẫn không ít người nhằm lẫn câu chuyện thương hiệu là lịch sử thương hiệu hay một cái gì đó được doanh nghiệp quảng bá, nó cũng không hoàn toàn sai, đó có thể là một phần thiết yếu trong câu chuyện thương hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế, câu chuyện thương hiệu bao hàm nhiều thứ hơn, vượt xa những điều trên.
Mặc dù kể chuyện thương hiệu đã có từ lâu, nhưng tôi tin rằng sự nổi bật của nó trong thời gian gần đây có liên quan trực tiếp đến sự nổi lên của phương tiện truyền thông xã hội, các cuộc trò chuyện công khai về thương hiệu cũng như những trải nghiệm với thương hiệu trên các phương tiện truyền thông xã hội. Ví dụ, các blog tiếp thị đang dẫn rất nhiều ví dụ về việc các thương hiệu đã vấp ngã tồi tệ như thế nào trên Twitter hoặc Facebook.
Bạn cần một câu chuyện hay để giúp thương hiệu trở nên thân thiện và gắn kết với khách hàng. Vậy nó là gì, hãy cùng cùng tìm hiểu nhé.
Câu chuyện thương hiệu là gì?
Câu chuyện thương hiệu (Brand story) là tất cả mọi thứ có liên quan đến việc thể hiện và chia sẻ câu chuyện đằng sau thương hiệu, điều khiến nó hình thành, quá trình phát triển, những khó khăn… thông qua nhiều phương tiện khác nhau như video, bài đăng, mạng xã hội, v.v. Nó giúp khơi gợi cảm xúc của người dùng với thương hiệu.
Có thể hiểu đơn giản, câu chuyện thương hiệu cho biết động lực để bạn bắt đầu kinh doanh và lý do tại sao thương hiệu tồn tại, tại sao khách hàng nên quan tâm và tại sao họ nên tin tưởng thương hiệu.
Các doanh nghiệp thành công vì họ tạo ra sự khác biệt cho chính mình, chủ động xây dựng câu chuyện thương hiệu để có có hội kiểm soát được hình ảnh thương hiệu khi khách hàng nghĩ về mình. Chia sẻ câu chuyện thương hiệu của bạn một cách trung thực và minh bạch cho phép mọi người hiểu về bạn, muốn liên kết với bạn.
Tại sao doanh nghiệp cần xây dựng câu chuyện thương hiệu?
Khoa học thần kinh chứng minh rằng kể chuyện là cách tốt nhất để thu hút sự chú ý của mọi người, đưa thông tin vào ký ức của họ và tạo mối liên kết cá nhân gần gũi. Khán giả của bạn luôn khao khát và tìm kiếm những câu chuyện tuyệt vời, và đó là một trong những lý do hàng đầu bạn cần tìm hiểu về câu chuyện thương hiệu, để đưa nó vào trong chiến lược thương hiệu của bạn.
Tuy nhiên, Chúng tôi nhận thấy nhiều thương hiệu còn do dự trong việc tham gia xây dựng câu chuyện riêng cho thương hiệu của mình.
Cho dù lý do là vì những e ngại khi cung cấp nhiều tính minh bạch cho thương hiệu hay đơn giản là vì không biết bắt đầu từ đâu, thì có một điều rõ ràng là “những thương hiệu này đang đánh mất những lợi ích lớn nhất từ kể chuyện thương hiệu”. Cụ thể là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.
Có 5 lợi ích mà câu chuyện thương hiệu có thể mang đến cho doanh nghiệp.
Câu chuyện thương hiệu khiến bạn nổi bật.
Điều gì khiến bạn trở nên độc nhất? Mọi người muốn biết về nó trước khi họ chọn bạn. Những yếu tố không thể thiếu trong câu chuyện thương hiệu của bạn: Hành trình đưa thương hiệu phát triển, cách thực hiện, cách thương hiệu vượt qua những khó khăn… những điều này thực chất có thể thú vị hơn với những gì bạn nghĩ, nó không chỉ là những lời quảng cáo. Nếu bạn có thể chủ động làm nổi bật những điều khiến bạn trở nên độc đáo thông qua nội dung của mình, bạn có thể dễ dàng vượt qua đối thủ cạnh tranh của mình.
Tạo ra những thương hiệu khó quên
Internet đã giúp mọi người bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình dễ dàng hơn. Nó khiến khách hàng có thêm nhiều lựa chọn nhưng cũng đẩy họ vào sự hoang mang và ngờ vực. Họ cần một thương hiệu uy tín, và để giành được sự tin tưởng của họ, doanh nghiệp buộc phải cần nhiều nỗ lực hơn. Một thương hiệu có câu chuyện hay sẽ giúp khách hàng tin tưởng vào nội dung cũng như thương hiệu. Từ đó dẫn đến một trải nghiệm và liên tưởng khó quên.
Khác biệt và dễ dàng được nhận diện trong hàng trăm thương hiệu
Với rất nhiều thương hiệu có mặt trên thị trường, sự cạnh tranh khiến bạn gặp khó khăn trong việc tạo dựng tên tuổi. Mọi người thậm chí có thể không nhận ra sự tồn tại của một thương hiệu. Đây là lý do tại sao chúng ta cần một câu chuyện thương hiệu. Chính những câu chuyện này đã giúp thương hiệu hình thành nên bản sắc riêng của từng cá nhân. Nó giúp một người nhớ và dễ dàng nhận ra một thương hiệu mà không cần nỗ lực nhiều.
Câu chuyện giúp cá nhân hóa thương hiệu của bạn
Cho dù bạn đang xuất bản câu chuyện thương hiệu của mình trên trang web của mình hay sử dụng nó để thông báo về sứ mệnh tổng thể của mình, thì việc cá nhân hóa thương hiệu, tạo mối liên kết với khách hàng là điều vô cùng quan trọng để tạo nên những chuyển đổi về doanh thu.
Một câu chuyện thực tế về thương hiệu giúp nó nhận được sự tín nhiệm trong mắt người dùng vì họ nhận thấy sự tương quan giữa thương hiệu và họ. Bạn chỉ muốn thực hiện những thước phim nổi bật như hầu hết các thương hiệu khác đang làm, bạn sẽ không thực sự gây được tiếng vang. Thay vào đó, điều quan trọng là bạn phải nói sự thật trung thực về những nghịch cảnh mà công ty bạn đã phải đối mặt và cách bạn đang làm việc để vượt qua nó. Bởi vì những gì làm mọi người cảm thấy có sự tương quan và được truyền cảm hứng không phải là một con đường thành công thẳng tấp, mà là hành trình khó khăn khi theo đuổi mục tiêu, bị đánh gục và cuối cùng là tìm ra con đường dẫn đến thành công.
Và chúng ta biết rằng khách hàng không thích cái cảm giác “thương hiệu đang tiếp cận họ vì tiền”. Dù rằng kinh doanh vốn là để kiếm tiền. Nhưng khi họ nhận ra rằng động cơ là tiền, họ sẽ không muốn kết nối với thương hiệu hoặc không hình thành được mối quan hệ lâu dài. Vì vậy, câu chuyện bạn mang đến cần đặt trọng tâm vào các giá trị hoàn hảo thông qua các sản phẩm / dịch vụ của bạn. Khi khách hàng cảm thấy được chăm sóc và tôn trọng, họ sẽ liên kết với bạn.
Câu chuyện thương hiệu giúp doanh nghiệp thu hút đúng người.
Chứng kiến những thiệt hại do các tập đoàn không có trách nhiệm gây ra, mọi người do dự khi tham gia vào các thương hiệu không thể hiện sự quan tâm và tôn trọng cộng đồng.
Câu chuyện thương hiệu cho phép bạn giao tiếp nhiều hơn với khách hàng. Nó giúp mọi người thấy những gì doanh nghiệp bạn đang làm, niềm tin, thái độ và đóng góp của bạn với cộng đồng. Khi bạn nêu rõ các giá trị của mình, bạn sẽ giúp mọi người dễ dàng gắn kết với bạn hơn, đồng thời giúp bạn lôi kéo những nhân sự tài năng muốn làm việc cho bạn.
Một câu chuyện hay giúp bạn xây dựng một lượng người theo dõi hùng hậu và trung thành. Chúng ta ở hiện tại đã không thể phủ nhận được sức ảnh hưởng của mạng xã hội trong việc xây dựng hình ảnh doanh nghiệp. Cách hoạt động tốt trên những kênh này chính là tạo ra câu chuyện thương hiệu. Khi doanh nghiệp có một câu chuyện hay để chia sẻ, mọi người sẽ bị cuốn hút và muốn nói về nó. Và một kết nối chặt chẽ với những đối tượng tiềm năng đã được tạo ra.
Câu chuyện thương hiệu giúp bạn truyền đạt giá trị của mình.
Có hai cách để cạnh tranh với tư cách là một doanh nghiệp: giá cả và giá trị.
Cạnh tranh về giá thực sự không phải là một cuộc chiến dễ dàng. Doanh nghiệp của bạn không thể mãi tham gia vào một cuộc đua về giá, vì dù bất kỳ ngành nghề nào, thì cũng có những đối thủ nhỏ hơn, với đội ngũ gọn gàng hơn, những người có thể chi trả ít hơn cho những thứ tương tự như những gì bạn cung cấp.
Tuy nhiên, cạnh tranh về giá trị có thể giữ bạn một vị thế nhất định trong cuộc đua. Hãy nghĩ về giá trị mà bạn cung cấp. Từ đó xây dựng những câu chuyện hay, về những gì bạn đã trải qua, những giải pháp mà bạn có, để nói cho mọi người biết về điều mà họ thực sự “nhận được gì” khi mua hàng của bạn?
Nếu bạn khao khát trở thành một thương hiệu cao cấp, bạn phải có một câu chuyện hay. Câu chuyện giờ đây sẽ là một gia vị bí mật khiến một công ty khởi nghiệp trở nên đầy cảm hứng và một công ty có tuổi đời hàng thế kỷ trở nên hợp thời.
Câu chuyện hay giúp bạn nắm quyền kiểm soát hình ảnh thương hiệu
Một điều mà nhiều nhà tiếp thị không muốn thừa nhận: Bạn không có toàn quyền kiểm soát câu chuyện thương hiệu của mình. Câu chuyện của bạn là một phần những gì bạn mang đến, một phần khác là cách mọi người cảm nhận về những gì bạn mang đến.
Nếu bạn không quảng bá câu chuyện thương hiệu của mình, mọi người sẽ viết những bài tường thuật của riêng họ về bạn, và đôi khi đó là những góc nhìn tiêu cực. Tôi tin rằng bạn sẽ không muốn điều đó, điều bạn muốn hẳn là kiểm soát nó.
Dù sự thật là bạn không thể kiểm soát mọi thứ về câu chuyện thương hiệu của mình, nhưng bạn có thể dẫn dắt nó. Chèn câu chuyện hấp dẫn, lôi cuốn của bạn vào toàn bộ các hoạt động xây dựng thương hiệu của mình. Hãy biến nó thành sự thật và gắn liền câu chuyện với giá trị thương hiệu của bạn.
Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng minh bạch. Điều đó có thể có lợi hoặc có hại cho một thương hiệu, nhưng đây là điều tất yếu của thời đại Internet và chúng ta cần chấp nhận. Đó là lý do tại sao việc phát triển câu chuyện thương hiệu của bạn theo chiến lược cá nhân hóa và có chủ đích sẽ tốt hơn nhiều so với để nó diễn ra theo cách không có sự kiểm soát.
Người tiêu dùng ngày nay có học thức, hiểu biết và ngày càng cẩn trọng với mọi thông tin họ nhận được. Họ có nhu cầu muốn biết nhiều hơn về thương hiệu, các tính năng, nguồn gốc và nhiều khía cạnh khác. Như một phương tiện, kể chuyện là một cơ hội tuyệt vời để kết nối với khách hàng, xây dựng mối quan hệ bền vững với họ và quan trọng hơn là ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ.